Sản xuất tại Việt Nam phát triển chậm lại trong tháng 8

RFA
2018.09.04
000_DG9HK.jpg Một cửa hàng của Vinaphone tại Hà Nội ngày 22 tháng 7 năm 2016.
AFP

Theo Nikkei hôm 4/9, chỉ số Nhà quản trị mua hàng Purchasing Managers’ Index (PMI) toàn phần trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã giảm xuống mức 53,7 điểm trong tháng Tám so với mức 54,9 điểm trong tháng Bảy, thấp nhất trong 4 tháng qua.

Chỉ số PMI trên 50 cho thấy có những cải thiện, trong khi dưới 50 cho thấy mức giảm tổng thể.

Ông Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit - công ty thu thập kết quả khảo sát nhận định: “Mặc dù có sự sụt giảm về sản lượng trong tháng Tám, nhưng ngành sản xuất Việt Nam dường như đang ở vị thế vững chắc nhờ vào khả năng tiếp tục đảm bảo nguồn vốn mới.”

Ông lo ngại thương mại toàn cầu có thể tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam trong những tháng tới.

Trong lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử, Bộ Công thương cho biết trong 8 tháng đầu năm nay Việt Nam đạt gần 31 tỷ USD từ xuất khẩu điện thoại và linh kiện, chủ yếu sang Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Đông Nam Á.

Cũng trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi khoảng 9,3 tỷ đô la Mỹ để nhập khẩu điện thoại và linh kiện, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của cơ quan Viễn thông Việt Nam, tính đến cuối tháng 6, với dân số khoảng 95 triệu người, cả nước có gần 127 triệu thuê bao di động và cố định, trong đó có hơn 119 triệu thuê bao di động, đạt tổng doanh thu viễn thông gần 8,2 tỷ đô la Mỹ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.